Lạng Sơn: Được các cấp, ngành chú trọng nâng cao "lượng" và "chất" OCOP
14-06-2023 15:04
Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Lạng Sơn ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX, 10% là chủ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thẳng thắn nhìn nhận khó khăn
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ông Hồ Tiến Thiệu, Chương trình OCOP là nguồn lực mới trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương được cả hệ thống chính trị và toàn dân đồng tình ủng hộ, tham gia. Đến nay, Chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gia tăng giá trị nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP được các cấp, ngành triển khai tích cực. Giai đoạn 2019-2022, tỉnh đã tổ chức, lồng ghép tổ chức 679 hội nghị tuyên truyền cho trên 31.000 lượt người; tổ chức 90 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ thực hiện chương trình; cấp phát trên 31.000 bộ tài liệu; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổng nguồn lực huy động thực hiện gần 17,5 tỷ đồng…
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP mới cùng với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được gắn sao. (Ảnh: langson.gov.vn)
Lạng Sơn là tỉnh miền núi có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Lạng Sơn có nhiều ưu thế để phát triển các loại nông sản đặc sản. Tuy vậy, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh được chứng nhận còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đang có 84 sản phẩm OCOP, trong đó có 65 sản phẩm 3 sao; 19 sản phẩm 4 sao.
>>>Khởi nghiệp từ mô hình trải nghiệm nông trại
>>>Lạng Sơn lọt TOP 30 tỉnh, thành phố có điểm PCI 2022 hàng đầu Việt Nam
Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thẳng thắn nhìn nhận, quy trình và công nghệ chế biến sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các quy định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; sản phẩm chủ yếu sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm còn hạn chế, nhất là vấn đề chuyển đổi số hầu như chưa được áp dụng.
Thực tế hiện nay, năng lực của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất đa phần còn yếu nên rất khó khăn về mặt bằng nhà xưởng, chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm bài bản; Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp…
Ưu tiên phát triển các chủ thể là HTX, doanh nghiệp
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; phấn đấu đánh giá phân hạng 3 mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng; củng cố và nâng cấp ít nhất 40% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Trong đó, Lạng Sơn ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX, 10% là chủ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cùng các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP. (Ảnh: langson.gov.vn)
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Thịnh, huyện vận dụng các chính sách phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, thông qua việc hỗ trợ tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh giúp các chủ thể mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đến hết tháng 5/2023, huyện Cao Lộc đã rà soát và lập được danh sách khoảng 20 sản phẩm có tiềm năng để xây dựng, phát triển thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ thể OCOP; phát triển sản phẩm OCOP mới cùng với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được gắn sao và nâng hạng cho các sản phẩm; nâng cao "lượng" và "chất" sản phẩm OCOP đặc trưng của xứ Lạng.
Song song với đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, các chủ thể OCOP cần quan tâm đến chế biến sâu; đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng như tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn:https://diendandoanhnghiep.vn/chu-trong-nang-cao-luong-va-chat-ocop-xu-lang-245661.html