Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), qua rà soát, tổng hợp báo cáo từ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 1.351 hộ gia đình NCC với cách mạng còn có khó khăn về nhà ở, trong đó, 506 hộ thuộc diện cần xây mới nhà ở (179 hộ đã tự ứng kinh phí xây mới), 845 hộ thuộc diện cần sửa chữa nhà ở (195 hộ đã tự ứng kinh phí sửa chữa).
Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận, làm rõ các số liệu còn chênh lệch và đề xuất phương án, giải pháp hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận cuộc họp
Kết luận cuộc họp, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, việc quan tâm hỗ trợ cho NCC với cách mạng có khó khăn về nhà ở là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Tuy nhiên, quá trình thống kê, rà soát chưa chặt chẽ, lập số liệu chưa chính xác về đối tượng thụ hưởng. Để tiếp tục chăm lo về nhà ở đối với các hộ gia đình NCC, đảm bảo thống kê chính xác các đối tượng thụ hưởng, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, UBND các huyện rà soát chốt lại danh sách đối tượng NCC khó khăn về nhà ở xong trước ngày 10/4/2021, chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường trách nhiệm, nghiêm túc, quán triệt đến từng xã triển khai rà soát, cử cán bộ đến từng hộ gia đình đối tượng, khảo sát kỹ lưỡng, chụp ảnh hiện trạng căn nhà, gửi Sở LĐTB&XH tổng hợp. Tổ chức tuyên truyền, triển khai, thống kê, thành lập hội đồng xem xét, phân loại đối tượng ưu tiên theo thứ tự. Sở LĐTB&XH có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp, thẩm định danh sách, xây dựng kế hoạch của UBND tỉnh về hỗ trợ NCC với cách mạng có khó khăn về nhà ở, xong trước ngày 15/4/2021, trong đó, nêu rõ mục đích, ý nghĩa, đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, trình tự, thủ tục và phân loại rõ đối tượng được ưu tiên hỗ trợ, lộ trình thực hiện kế hoạch trong năm 2021 và năm 2022, phân công rõ nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.