Truyền thông xã hội

Nhiều cách làm hay trong vận động nhân dân chấp hành pháp luật

29-03-2023 08:22

Với tinh thần chủ động, tích cực vào cuộc, BĐBP Lạng Sơn đã sáng tạo nhiều cách làm hay, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Thông qua công tác tuyên truyền, hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân đã được nâng lên, số vụ và số người vi phạm pháp luật trên địa bàn khu vực biên giới Lạng Sơn đều giảm so với giai đoạn trước.

 Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền pháp luật

Khu vực biên giới (KVBG) tỉnh Lạng Sơn có 20 xã và 1 thị trấn biên giới, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao và Hoa, trong đó, dân tộc Tày và Nùng chiếm khoảng hơn 70%. Thực tế, trình độ hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, chưa tự giác; hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn trong dân còn tiềm ẩn phức tạp.

Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL có vị trí rất quan trọng trong xây dựng, hình thành ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đóng góp to lớn cho việc ổn định tình hình an ninh trật tự, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, BĐBP Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở KVBG. Trong đó, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cơ bản về pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp, cũng như đội ngũ cộng tác viên, hòa giải viên pháp luật và người có uy tín ở cơ sở, cả về số lượng và chất lượng.

Đến nay, KVBG Lạng Sơn có 143 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 320 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; 35 báo cáo viên, 44 tuyên truyền viên pháp luật của các đồn Biên phòng. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật và hòa giải viên của 21 xã, thị trấn biên giới và 11 đồn Biên phòng có 1.487 người. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn còn thành lập 21 Tổ thông tin truyền thông do Chính trị viên đồn Biên phòng làm Tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã biên giới phụ trách tư pháp làm Tổ phó.

Nhiều mô hình truyền thông đặc thù

Từ đặc điểm địa bàn, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã chỉ đạo các Tổ thông tin truyền thông biên tập các bản tin mang tính chất đặc thù, cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ như: Bản tin về chính sách mới; Bản tin về an ninh, trật tự; Bản tin về kinh tế, văn hóa, xã hội; Bản tin về an ninh biên giới. Các bản tin được thu âm để phát trên hệ thống loa truyền thanh của các thôn, bản, khu dân cư và khu vực cửa khẩu; hoặc in ra giấy, để các thành viên Tổ thông tin truyền thông truyền đạt trực tiếp khi tuyên truyền ở cơ sở.

Hướng tới đối tượng tuyên truyền, PBGDPL là thanh thiếu niên, từ năm 2010, BĐBP Lạng Sơn triển khai mô hình “Biên giới với học đường”, tổ chức các lớp học ngoại khóa đưa cán bộ, giáo viên, học sinh tham quan đường biên, mốc quốc giới, đồng thời, tuyên truyền về truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia của BĐBP. Thông qua đó, giáo dục cho các em lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hình thành ý thức về quốc gia, quốc giới, trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân xã Mẫu Sơn. Ảnh: Vi Toàn

Với rất nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở, KVBG Lạng Sơn có hoạt động xuất nhập khẩu sôi động, lưu lượng người qua lại hai bên biên giới rất lớn. Từ thực tế này, BĐBP Lạng Sơn đã triển khai mô hình “Tuyên truyền pháp luật hai bên biên giới”. Theo đó, các đồn Biên phòng phối hợp với các trạm kiểm tra Biên phòng xuất, nhập cảnh phía Trung Quốc tuyên truyền cho hành khách, các chủ xe, lái xe, chủ hàng, hộ kinh doanh và nhân dân hai bên biên giới các quy định pháp luật.

Hoạt động này được thực hiện vào ngày 19/8 do phía Trung Quốc đăng cai và Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) do phía BĐBP Lạng Sơn đăng cai. Mỗi bên thành lập 1 tổ gồm 10-12 thành viên, tuyên truyền lưu động ở cửa khẩu, chợ, trung tâm thương mại, phát tờ rơi, tờ gấp in bằng ngôn ngữ Việt Nam và Trung Quốc phát cho người dân. Bên cạnh đó, Tổ tuyên truyền còn đối thoại, trả lời trực tiếp các ý kiến, câu hỏi về pháp luật của người dân. Cách làm này đem lại kết quả rất tích cực, không chỉ giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân qua lại, cư trú, làm ăn ở KVBG, cửa khẩu, mà còn tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng chức năng hai bên.

Từ thực tiễn, hoạt động của các loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, năm 2018, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn triển khai mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, tạo ra phong trào toàn dân rộng khắp để đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự KVBG. Các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền tập trung, lồng ghép vào các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền nhỏ lẻ đến từng nhóm người, hộ dân. Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng đã tham mưu, hướng dẫn cho các thôn, bản thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn pháp luật, Tổ hòa giải ở khu dân cư. Đồng thời mở hòm thư tố giác tội phạm, cung cấp số điện thoại của chỉ huy các đồn Biên phòng để người dân cung cấp thông tin tố giác tội phạm. “Qua đó, nhân dân đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều tin tức có giá trị để đấu tranh, bóc gỡ, triệt xóa nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm, làm trong sạch địa bàn” - Đại tá Trần Quang Tùng, Phó Chính ủy BĐBP Lạng Sơn cho biết.

Chia sẻ về các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, Đại tá Trần Quang Tùng cho hay: “Trong phòng ngừa xã hội, chúng tôi còn làm tốt công tác tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, xây dựng các vở kịch ngắn về phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người, chống nạn tảo hôn để biểu diễn phục vụ bà con. Những vở kịch đó đã tác động rất sâu sắc, lay động đến con tim, khối óc, tình cảm của người dân, nhất là những người mẹ, người vợ có con, có chồng nghiện ma túy, những người nghèo, cả tin, bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài. Qua đó, đánh thức tinh thần cảnh giác, thái độ kiên quyết, không khoan nhượng của người dân trước những đối tượng có hành vi phạm pháp”.

Đại tá Trần Quang Tùng chia sẻ: “Tại KVBG tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2013-2016, xảy ra 1.197 vụ vi phạm pháp luật/1.362 người. Giai đoạn 2017-2021, xảy ra 1.038 vụ/1.234 người, giảm 159 vụ/128 người so với giai đoạn trước. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật đã đem lại kết quả tích cực”.

Nguồn:https://www.bienphong.com.vn/nhieu-cach-lam-hay-trong-van-dong-nhan-dan-chap-hanh-phap-luat-post459934.html

Tin liên quan