Lạng Sơn muốn là địa phương đầu tiên tắt sóng 2G, đưa người dân lên 4G
25-07-2024 09:58
Lạng Sơn muốn đưa gần 40.000 thuê bao 2G Only rải rác ở cả khu vực thành thị và nông thôn lên sử dụng 4G và quyết tâm trở thành địa phương đi đầu trong việc tắt sóng 2G.
Tắt sóng 2G là một chủ trương lớn của Bộ TT&TT và đã được định hướng từ năm 2019. Thời gian qua, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp di động đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tắt sóng 2G, trong đó, các giải pháp chuyển đổi thuê bao di động 2G sang sử dụng smartphone; phát triển hạ tầng di động băng rộng đã đạt được kết quả đáng kể.
Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, kế hoạch tắt sóng 2G từ năm 2023 đến ngày 15/9/2024, Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn đã gửi văn bản đến các địa phương, doanh nghiệp viễn thông di động nhằm phổ biến thông tin về lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng di động phải triển khai hạ tầng mạng 4G, đảm bảo có vùng phủ thay thế các trạm thu phát vô tuyến 2G đã tắt tại tất cả khu vực thực hiện tắt sóng. Đồng thời, người dân đang sử dụng các máy điện thoại 2G Only cần chủ động hoặc tiếp cận các chương trình hỗ trợ của doanh nghiệp di động, thực hiện chuyển đổi sang máy điện thoại 4G để đảm bảo tiếp tục sử dụng dịch vụ di động.
Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn, cho biết sau khi có chỉ đạo từ Bộ TT&TT, Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn đã triển khai lộ trình dừng cung cấp công nghệ di động 2G trên địa bàn tỉnh.
Trước khi Bộ TT&TT chỉ đạo tắt sóng 2G, Lạng Sơn có khoảng 120.000 thuê bao 2G Only. Trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi từ thiết bị sử dụng công nghệ 2G Only sang thiết bị sử dụng công nghệ 4G, 5G.
Lạng Sơn đã huy động cả bộ máy chính quyền cùng vào cuộc, phấn đấu trở thành địa phương đầu tiên của cả nước tắt sóng 2G để đưa người dân lên 4G.
Sau những động thái quyết liệt của chính quyền và doanh nghiệp, đến thời điểm này, Lạng Sơn chỉ còn khoảng 39.500 thuê bao di động đang sử dụng công nghệ 2G Only, chủ yếu là của Viettel, VNPT và MobiFone, trong đó nhiều nhất là thuê bao của Viettel khoảng 33.000.
Hiện Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã đề xuất với Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp thiết bị di động thông minh vào cuộc nhằm kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi thiết bị 2G.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, với người dùng 2G chuyển sang điện thoại thông minh 4G, đây là cơ hội trải nghiệm dịch vụ mới, các dịch vụ từ trước đến nay chưa được dùng. Người sử dụng có thể vào mạng, sử dụng dịch vụ hành chính công của Nhà nước từ ứng dụng trên smartphone thay vì vào website. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số, với mục tiêu tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận công nghệ mới.
Việc dừng công nghệ 2G là cơ hội tốt cho người sử dụng làm quen với dịch vụ trên môi trường số. Những đối tượng sử dụng ở các thành phố lớn, thị trấn, thị xã, tiếp nhận thông tin đầy đủ và tương đối sẵn sàng chuyển sang smartphone. Nhưng với những người vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người già, trẻ em, những người không có cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ như lớp trẻ, công tác truyền thông của nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần được tăng cường.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, các nhà mạng cũng đã có giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển từ 2G lên 4G. Bộ TT&TT cũng đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị các Sở TT&TT đề xuất với UBND sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp với nhà mạng hỗ trợ người dân khi tắt sóng 2G và hiện đã có một số tỉnh đã triển khai nội dung này.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, với quyết tâm đi đầu trong việc tắt sóng 2G và đưa tất cả người dân lên 4G là động lực mạnh mẽ để Lạng Sơn thực hiện mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ông Nguyễn Thành Phúc cũng đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ để tắt sóng 2G thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, hiện vẫn còn khoảng 11 triệu thuê bao 2G Only, nếu các nhà mạng và chính quyền ở các tỉnh, thành không vào cuộc mạnh mẽ sẽ khó hoàn thành mục tiêu tắt sóng 2G với hạn cuối cùng vào ngày 15/9/2024.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/lang-son-muon-la-dia-phuong-dau-tien-tat-song-2g-dua-nguoi-dan-len-4g-2304902.html