Lạng Sơn phát hiện một cửa hàng kinh doanh thực phẩm nhập lậu, vi phạm về tem nhãn
11-04-2023 14:54
Mới đây lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Kết quả đã phát hiện nhiều loại thực phẩm có dấu hiệu nhập lậu.
Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn) đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Đặng Thị Hương (địa chỉ, số 9 đường Tam Thanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, tại cơ sở kinh doanh này đang bày bán một số loại hàng hóa là thực phẩm sản xuất ngoài Việt Nam, hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.
Lạng Sơn buộc tiêu hủy lô hàng hóa thực phẩm có dấu hiệu nhập lậu. Ảnh: TH&CL
Cụ thể, các loại hàng hóa vi phạm, gồm: Trà giảm cân Genpi Tea loại 180 gam/túi; bánh socola Kinder Happy hippo, loại 20,7 gam/hộp; bánh trái cây Gake Aux Fruits, loại 275 gam/hộp; bánh hành Chia Te loại 180 gam/hộp.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ nhập khẩu hợp pháp của lô hàng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Đặng Thị Hương và buộc chủ hộ kinh doanh tiêu hủy toàn bộ hàng hoá vi phạm trên, theo quy định của pháp luật.
Trước đó, qua khảo sát địa bàn đã ghi nhận, tại cửa hàng trên, kinh doanh một số sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về tem nhãn; bán hàng hóa có tem nhãn nước ngoài, nhưng không có tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Đại diện cửa hàng này cho biết, hàng hóa do cơ sở nhập về bán và không có tem nhãn phụ in trên một số sản phẩm...
Liên quan tới thực phẩm nhập lậu, theo nhận định của cơ quan chức năng, cho dù có kiểm soát quyết liệt thì số vụ nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu bị phát hiện là rất nhỏ so với tình hình thực tế.
Đặc biệt, việc ngăn chặn và kiểm soát thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới vẫn rất nan giải vì so với các mặt hàng nhập lậu khác thì hàng thực phẩm đem lại lợi nhuận khá cao nên nhiều kẻ coi thường luật pháp, bất chấp tính mạng, sức khỏe người sử dụng để buôn bán, vận chuyển thứ hàng nguy hiểm này.
Hơn nữa, để đưa mặt hàng nguy hại sức khỏe này trót lọt qua biên giới, dân buôn lậu lợi dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, mang vác xé nhỏ, chia lẻ lô hàng, gắn trách nhiệm cho “cửu vạn” trong quá trình vận chuyển. Chúng cắt cử người canh gác, theo dõi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu. Trong khi đó, hiện nay quy định xử phạt cho hành vi vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn lại quá nhẹ, mức xử phạt không đủ sức răn đe.
Do đó, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, địa phương, mỗi người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức về an toàn thực phẩm, kiên quyết nói không với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ... là cách để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Hãy tìm mua sản phẩm của những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, người dân lưu ý về các vấn đề liên quan đến ngộ độc.
Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, định hướng, lựa chọn kỹ lưỡng hàng hóa, thực phẩm an toàn. Người dân cần tích cực giám sát các cơ sở, người chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm; chủ động phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng khi nghi ngờ, phát hiện dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm để đảm bảo an toàn.
Quy định mới về ghi nhãn hàng hóa
Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trong đó có nhiều điểm mới cần lưu ý như phạm vi điều chỉnh, quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022.
Theo đó, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (trước đây, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP không điều chỉnh đối với hàng hóa xuất khẩu).
Đối với các loại hàng hóa đặc biệt như bất động sản; thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản)… theo quy định tại khoản 2 Điều 1 không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.
Theo đó Nghị định trên quy định rõ hơn về những thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và quy định pháp luật liên quan.
Đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
Trường hợp trên nhãn gốc chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa. Sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
|
An Dương (T/h)
NGUỒN: https://vietq.vn/lang-son-phat-hien-mot-cua-hang-kinh-doanh-thuc-pham-nhap-lau-d209564.html