Tiêu điểm

Lạng Sơn xây dựng Cửa khẩu thông minh, thúc đẩy kinh tế biên mậu Việt-Trung

14-12-2023 14:06

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và đại diện chính quyền Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Mô hình này phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ về chương trình chuyển đổi số Quốc gia và yêu cầu thực tiễn tại khu vực cửa khẩu.

 Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trung Quốc tháng 6/2023 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và đại diện chính quyền Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Mô hình này phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ về chương trình chuyển đổi số Quốc gia và yêu cầu thực tiễn tại khu vực cửa khẩu. Cửa khẩu thông minh được triển khai sẽ giúp tăng năng lực, hiệu suất thông quan hành khách và hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cách TP Lạng Sơn 17 km về phía Bắc (cách Thủ đô Hà Nội 171 km về phía Đông Bắc) là địa bàn chiến lược về đối ngoại, quốc phòng an ninh và cửa ngõ quan trọng của đất nước. Gần 4 tháng qua, tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị xuất hiện một “dấu mốc” đặc biệt mới: Cây đa Việt Nam (được đặt tên "Cây đa Hữu Nghị") do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trồng nhân chuyến công tác tại tỉnh Lạng Sơn (tháng 8/2023).

Trò chuyện với Đại sứ Hùng Ba và đại diện các đơn vị, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thống nhất với nhau đặt tên cặp cửa khẩu này là cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). 2 nước đã là quan hệ vừa là đồng chí, vừa là anh em từ lâu rồi, bây giờ cùng qua lại một cửa, một lối mà cùng đặt tên chung là Hữu Nghị là tôi thấy rất có ý nghĩa. Mối tình thắm thiết Việt- Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em”. 

 

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cũng chính là nơi đầu tiên tại Việt Nam được chọn để thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh. Đây là mô hình được xây dựng trên cơ sở Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh Việt Nam-Trung Quốc, được UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ Nhân dân Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết ngày 26/6 vừa qua tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trung Quốc.

Mục tiêu của mô hình cửa khẩu thông minh là xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị trở thành "cửa khẩu kiểu mẫu", phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc. Ông Nguyễn Hồng Linh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: Mô hình cửa khẩu thông minh trên cơ sở đưa ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao, nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng của thương nhân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

“Cục Hải quan Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tổ chức nhiều cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến với Hải quan Nam Ninh - Trung Quốc để trao đổi thống nhất các biện pháp nâng cao năng lực thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt Cục Hải quan Lạng Sơn đã cùng với Hải quan Nam Ninh - Trung Quốc đã khảo sát thực tế, nghiên cứu, trao đổi thông tin, tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện Đề án thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan và cửa khẩu Tân Thanh- Pò Chài”, ông Nguyễn Hồng Linh chia sẻ.

Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong chính sách đối ngoại là coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và phát triển lâu dài, ổn định, hiệu quả, thực chất theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Nhân dịp chuyến thăm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai Bên đã ra Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc để ghi nhận những nhận thức chung đạt được, trong đó nội dung “Thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng, bền vững; phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Việt Nam; hai bên tích cực nghiên cứu việc đàm phán, ký kết Hiệp định sửa đổi về thương mại biên giới Việt - Trung. Sớm bàn bạc và xác định phương án tổng thể chung về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới; thiết thực thúc đẩy các dự án kết nối cơ sở hạ tầng…”

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang là địa bàn trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu Việt - Trung lớn nhất trên đường bộ, là con đường quan trọng để xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam cũng như nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN và ngược lại. Những năm gần đây, phía Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hoa quả Việt Nam nên lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh; vào thời gian cao điểm, chính vụ thu hoạch một số mặt hàng nông sản, hoa quả, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, thương nhân. Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được triệt để tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, bên cạnh việc duy trì mô hình giao nhận truyền thống hiện nay, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng thêm mô hình giao nhận mới. Mô hình cửa khẩu thông minh dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng của hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mong muốn.


Bà Hoàng Thị Lê, đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường xuyên có hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị cho biết: “Khi có chủ trương xây dựng cửa khẩu thông minh thì phía các cơ quan ban ngành cũng đã tuyên truyền tới các công ty hoạt động tại cửa khẩu về lợi ích mà cửa khẩu thông minh đem lại cho doanh nghiệp như là xe hàng thông thoáng hơn, lượng xe xuất khẩu sang sẽ nhiều hơn và lượng thông quan một ngày cũng sẽ tăng hơn so với hiện tại. Cá nhân tôi cũng rất mong cửa khẩu thông minh sẽ sớm được áp dụng để có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tôi rất ủng hộ chủ trương này vì đây là mô hình rất tốt và tạo điều kiện rất nhiều cho phía doanh nghiệp".

Ngay sau Lễ kí kết Thỏa thuận khung với Chính phủ Nhân dân Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo "Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh". Địa phương đã thành lập các "Tổ công tác", "Tổ giúp việc"... khẩn trương xây dựng Đề án; khảo sát thực địa cửa khẩu thông minh tại Trung Quốc.

Để đảm bảo chất lượng, có đủ cơ sở, điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem, xét phê duyệt Đề án, UBND tỉnh Lạng Sơn đã xin ý kiến của 18 Bộ, ngành liên quan về dự thảo hồ sơ Đề án. Trên cơ sở ý kiến góp ý trực tiếp của các Bộ, ngành UBND tỉnh Lạng Sơn đã tiếp thu hoàn thiện Đề án và hiện đang hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem, xét phê duyệt.

Quá trình thực hiện đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 11/2023 đến tháng 12/2025 (là giai đoạn xây dựng cơ sở); Giai đoạn 2 từ tháng 1/2026 đến tháng 1/2029 (là giai đoạn vận hành thí điểm). Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ khi xây dựng xong hạ tầng cửa khẩu thông minh; tổng kinh phí thực hiện Đề án là 7.966 tỷ đồng.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Với mô hình cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4-5 lần so với thời điểm hiện tại. Đặc biệt, mô hình này sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân khu vực biên giới…

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thỏa thuận khung đã ký kết, chúng tôi đang thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh. Hiện nay tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây đang phối hợp rất chặt chẽ để triển khai các nội dung này. Khi triển khai được mô hình này sẽ góp phần để tăng năng lực thông quan hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn lên gấp khoảng 4-5 lần. Đây là bước tiến mới để mở ra cơ hội để thúc đẩy kinh tế cửa khẩu cũng như để tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường Trung Quốc, cũng như từ thị trường Trung Quốc vào Việt Nam và vào các nước ASEAN”.

Cửa khẩu thông minh là mô hình chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Do đó trong quá trình triển khai, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, quy hoạch, hạ tầng… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành và tỉnh Lạng Sơn, mô hình cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đang tạo ra những chuyển biến mới trong việc nâng cao năng lực thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu; giúp tỉnh Lạng Sơn phát huy được tối đa tiềm năng thế mạnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu với nước bạn Trung Quốc.

Tin liên quan