Lạng Sơn: Xử lý vi phạm hàng hóa dịp trung thu 2023 cao gấp đôi so với năm trước
19-10-2023 15:19
Các chỉ số cho thấy cả số vụ vi phạm, giá trị hàng hóa bị thu giữ, tiêu hủy đều tăng gấp hơn 2 lần so với dịp Trung thu 2022.
Trước đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 917/KH-CQLTTLS ngày 05/9/2023 về việc kiểm tra thị trường hàng hóa phục vụ Tết Trung thu năm 2023 và ban hành một số văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
Lãnh đạo Cục trực tiếp nắm tình hình địa bàn, trực tiếp chỉ đạo kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm dịp Tết Trung thu; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tiếp tục kiểm tra theo Kế hoạch định kỳ năm 2023, chú trọng nhóm hàng hóa, dịch vụ liên quan thực phẩm, thực hiện rà soát địa bàn, tăng cường kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn được phân công.
Qua đó, trong dịp Tết Trung thu năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hợp pháp. Mặt khác là nâng cao ý thức lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng, chú trọng mặt hàng sản xuất trong nội địa, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, đợt kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết Trung Thu năm 2023, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc đã kiểm tra 212 vụ việc liên quan đến hàng hóa thực phẩm, đồ chơi trẻ em (bằng 135,03% so với dịp Trung Thu năm 2022).
Trong đó, xử lý vi phạm 107 vụ (bằng 152,85% so với dịp Trung Thu năm 2022); Số tiền phạt vi phạm 293 triệu đồng. Một số mặt hàng vi phạm chủ yếu đã tịch thu tiêu hủy hoặc buộc tiêu hủy do không đảm bảo an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường và hàng nghìn đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại nhập lậu,…
Một số hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp thực phẩm chín, dụng cụ gom chất thải rắn không có nắp đậy, kinh doanh hàng hóa đồ chơi trẻ em nhập lậu, kinh doanh hàng hóa thực phẩm quá hạn sử dụng, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định; niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Xác định công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần được chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên. Đặc biệt là một số nhiệm vụ về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ chơi, tổ chức thực hiện các Kế hoạch của Cục đã được phê duyệt.
Tăng cường quản lý địa bàn, rà soát, nhận diện đối tượng để xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm, kế hoạch kiểm tra chuyên đề và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, vận chuyển thực phẩm, đồ chơi nhập lậu, không để hình thành đường dây, tụ điểm về hàng lậu, hàng giả tồn tại trên địa bàn.
Nguồn:https://danviet.vn/lang-son-xu-ly-vi-pham-hang-hoa-dip-trung-thu-2023-cao-gap-doi-so-voi-nam-truoc-20231018175231871.htm